5 kiểu Truyện Cười Cổ Tích Hài Hước ý nghĩa, bố mẹ nên kể con nghe
Ngoài mang lại niềm vui, truyện cười cổ tích hài hước còn khéo léo truyền tải những bài học ý nghĩa và giá trị nhân văn sâu sắc. Đó là lý do vì sao bố mẹ nên kể con nghe mỗi ngày, vừa giúp bé thư giãn vừa nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho con. Nhưng không phải đâu cũng là lựa chọn phù hợp cho các bé. Do vậy, bố mẹ phải hết sức cân nhắc.
Truyện cười ngụ ngôn
Truyện ngụ ngôn là loại truyện dân gian được kể bằng văn xuôi hoặc văn vần. Phần lớn truyện ngụ ngôn được bắt nguồn từ truyện loài vật, đồ vật nhằm mục đích nói về con người. Từ đó đưa ra lời khuyên hoặc muốn răn dạy một bài học cuộc sống. Với truyện cười, đây là thể loại văn học dân gian nhằm mua vui, giải trí. Mượn tiếng cười để phê phán hoặc chế giễu.
Dạy con qua những câu chuyện cười ngụ ngôn là cách giáo dục nhẹ nhàng lại tinh tế. Trong kho tàng văn học truyện cười ngụ ngôn, “Kiến và ve sầu” là một trong những mẩu truyện hay, mang đậm tính giáo dục, rất phù hợp kể bé nghe.
Câu chuyện “Kiến và ve sầu” kể về chú ve sầu lười biếng, chỉ biết hưởng thụ. Trong khi, bác kiến lao động cật lực để chuẩn bị lương thực sẵn cho mùa đông. Thoắt cái, hết hè sang đông, ve sầu thì đói, chẳng có gì lót bụng. Còn bác kiến vốn đã tích trữ lương thực nên dù những ngày đông giá rét vẫn luôn có sẵn thức ăn nóng sốt.
Bài học từ câu chuyện: Phải luôn có kế hoạch, không bao giờ tiêu hết tiền tiết kiệm. Phải chủ động cho tương lai, biết tích trữ để phòng khi khó khăn.
Truyện cười cổ tích
Truyện cổ tích là những truyện được người Việt truyền miệng trong dân gian với những yếu tố hoang đường, kì ảo. Thông qua truyện cổ tích, người ta muốn gửi gắm khát vọng chiến thắng của cái thiện trước cái ác, tinh thần lạc quan hay sự công bằng trong xã hội.
Dù chỉ là nhân vật hư cấu nhưng ông bụt, bà tiên chính là “hơi thở”, là hình tượng mang đậm dấu ấn của dòng văn học dân gian này. Ông bụt, bà tiên có thể xuất hiện trong vai trò là một ông lão, bà lão ăn xin có phép màu nhiệm.
Truyện cười cổ tích chính là những câu chuyện cổ tích dân gian nhưng có lồng ghép tình tiết hài hước mang đến tiếng cười. Nhưng tiếng cười này bao hàm một bài học ý nghĩa về cuộc sống. Tiêu biểu có thể có đến truyện ““Chó đá biết cười”
Truyện cười cổ tích hài hước “Chó đá biết cười” xoay quanh câu chuyện về hai anh em khác biệt cả về cuộc đời lẫn tính nết. Cả hai đều có gia đình và ra ở riêng. Theo đó, vợ chồng người anh giàu có nhưng keo kiệt. Vợ chồng người em tuy chẳng có miếng đất cắm dùi nhưng lại tốt tính, lương thiện. Cuộc sống làm thuê mướn nhưng giàu tình cảm, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người.
Một hôm có ông lão ăn mày đến nhà người anh xin ăn thì bị vợ chồng xua đuổi, thậm chí còn thả chó dữ. Khi ghé sang nhà người em, ông lão được đón tiếp nồng hậu dù chỉ là mấy bát cháo. Cảm kích trước tấm lòng của hai vợ chồng, ông lão đã dành tặng phần “quà’ vô cùng đặc biệt. Ông bảo hai vợ chồng theo lên núi để lấy vàng.
Sâu trong ngọn núi có hai con chó đá. Ông lão dùng gậy trúc gõ đầu chó ba cái. Lập tức, chó đá há miệng thật to. Được ông lão hướng dẫn, hai vợ chồng người em lấy ra từ miệng chó mấy thỏi vàng rồi vội vàng ra về.
Bỗng chốc cuộc sống hai vợ chồng người em phất lên khiến ai cũng ngỡ ngàng. Người anh biết chuyện nên qua hỏi xem thực hư thế nào. Người em kể toàn bộ câu chuyện về ông lão ăn xin.
Biết thế, hai vợ chồng người anh tìm bằng đủ mọi cách để gặp lại ông lão ăn xin. Lần này, hắn cung kính, tiếp đãi thịnh soạn. Đợi ông lão ăn xong, hai vợ chồng cầu xin. Ông lão cũng dẫn đường cho hai vợ chồng lên ngọn núi.
Mang theo quang gánh lên núi tìm vàng nhưng đôi vợ chồng chẳng ngờ kết cục thảm hại đang chờ mình phía trước. Đến nơi, ông lão dùng gậy trúc gõ đầu chó một cái. Chó vừa há miệng, người anh liền thò tay vào để lấy vàng. Nào ngờ, chưa kịp rút tay, chó đá đã ngậm miệng. Lúc này chẳng thể cầu cứu ai vì ông lão cũng biến mất.
3 năm người vợ phải đi đi về về mang cơm nước cho chồng. Nhà cửa ruộng vườn cũng bán sạch. Tài sản khánh kiệt nhưng người anh vẫn bị “chôn chân” trên núi. Một hôm, hắn rủ vợ “vui đùa” nhưng ý định chưa thành thì chó đá há miệng cười. Hắn nhanh nhảu rút tay ra rồi cùng vợ chạy một mạch xuống núi.
Ý nghĩa từ câu chuyện: Phê phán những con người sống tham lam, dốt nát. Thậm chí vì lợi lộc cho mình có thể làm những việc ngớ ngẩn khiến “chó cũng phải cười”. Truyện cười cổ tích hài hước “Chó đá biết cười” cũng khuyến khích về lòng tốt, làm việc thiện ắt sẽ được phúc báo.
Truyện cổ tích chế hài
Trong những năm trở lại đây, trào lưu chế truyện cổ tích trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Bằng góc nhìn mới mẻ, tư duy sáng tạo, nhiều bạn trẻ đã viết lại với giọng văn hài hước, mạnh dạn thay đổi kết truyện. Nhiều hình tượng nhân vật cổ tích trong Tấm Cám, Cô bé bán diêm, Ông lão đánh cá và con cá vàng, Sọ dừa,… vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ cũng được “dị bản” theo cách không ai ngờ đến.
Điểm chung của những truyện cổ tích chế hài này là ngôn ngữ tuổi teen, sự gần gũi, dễ mang lại tiếng cười. Tuy nhiên, rất nhiều truyện cổ tích đang dần bị đánh mất đi những giá trị nguyên bản vốn có. Truyện được thay thế bằng những tình tiết hấp dẫn hơn, mới lạ hơn nhưng dường như đang đi “lệch” những giá trị nhân văn, ý nghĩa mà truyện hướng tới.
Trong khi, chính những bài học về sự chiến thắng của cái thiện, khát vọng về những điều cao đẹp trong truyện cổ tích xưa cũ là mạch nguồn nuôi dưỡng cảm xúc, tâm hồn và nhân cách cho trẻ em. Do đó, bố mẹ phải thật cân nhắc khi chọn truyện cổ tích chế hài đọc cho con nghe để tránh việc các bé hiểu sai về những bài học ý nghĩa được rút ra từ câu chuyện. Điều này có tác động rất lớn đến việc định hướng hình thành tích cách và quan điểm sống của trẻ sau này.
Truyện cổ tích thời hiện đại hài
Theo dòng phát triển của xã hội, truyện cổ tích cũng dần được cải biên và mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Tuy có những điểm phá cách trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, cốt truyện, song cổ tích thời hiện đại vẫn mang đậm tính giáo dục, truyền tải những thông điệp giàu tính nhân văn.
Truyện cổ tích hài hước thời hiện đại có thể là một tác phẩm được sáng tạo mới về nội dung dựa trên bản gốc hoặc có thể là một câu chuyện hoàn toàn mới.
Có thể kể đến như cuốn “Thiện và Ác và Cổ tích” gồm 16 truyện quen thuộc như Sự tích trầu cau, Mỵ Châu – Trọng Thủy,… Điểm đặc biệt chính trong bộ truyện này là 2 tuyến nhân vật thiện – ác cùng song song kể chuyện mang đến góc nhìn đa chiều hơn cho độc giả. Hoặc những biến thể của câu chuyện Lọ Lem như tình tiết công chúa và hoàng tử đến với nhau vì một series phim truyền hình, không phải bởi một đôi giày thủy tinh.
So với truyện cổ tích chế hài, việc thêm thắt những tình tiết mới trong truyện cổ tích hài thời hiện đại là sự thay đổi phù hợp. Vừa giúp phát huy kho tàng văn học dân gian vừa thổi một “làn gió” mới cho những câu chuyện cổ vốn đã quen thuộc. Thế giới màu sắc của trẻ thơ được tái hiện qua những câu chuyện cổ tích hài hước thời hiện đại vẫn giữ được những giá trị xưa cũ như lên án cái ác, khát vọng hướng thiện,…
Phim hài cổ tích Việt Nam
Rất nhiều câu chuyện cổ tích được chuyển thể thành phim vừa hài hước lại gần gũi, rất phù hợp với trẻ con. Những hình ảnh trực quan và sinh động trên tivi sẽ giúp kích thích óc tưởng tượng, khả năng quan sát, ghi nhớ và tập trung của bé nhiều hơn. Tuy nhiên, bố mẹ cần kiểm soát thời lượng xem tivi của con.
Một số phim hài cổ tích Việt Nam hài hước, phù hợp với lứa tuổi của các bé có thể kể đến như Nói dối như cuội, Cậu bé thông minh, Cây tre trăm đốt, Người bạn tham, Thần đồng họ Lê, Thánh nói phét,…
Kho tàng truyện cười cổ tích hài hước vô cùng phong phú và đa dạng cả về nội dung và ý nghĩa. Theo dòng chảy của xã hội, thể loại văn học dân gian này cũng được sáng tạo và thay đổi theo góc nhìn mới của tác giả. Điều quan trọng, bố mẹ cần chọn lọc những mẩu chuyện phù hợp với các bé. Hãy để mỗi câu chuyện mà bé được tiếp cận mang đến những tác động tích cực trong việc định hình nhân cách và là một bài học giáo dục hướng đến những giá trị chân – thiện – mỹ.