Truyện cổ tích là gì ? Phân biệt truyện cổ tích với các thể loại văn học khác

Truyện cổ tích là thuật ngữ không còn quá xa lạ đối với chúng ta, đặc biệt là đối với trẻ em. Những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ, đầy giá trị nhân văn đã nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp những tình cảm tốt đẹp, những bài học quý báu cho thế hệ trẻ. Nhưng có bao giờ bạn được nghe đến khái niệm truyện cổ tích hoặc đã thử tìm hiểu về các thể loại truyện cổ tích hay chưa? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc về thể loại văn học này. Cùng tìm hiểu thôi nào!

Truyện cổ tích là gì ? Phân biệt truyện cổ tích với các thể loại văn học khác | KhangVietBook.vn

Thế nào là truyện cổ tích?

Định nghĩa về khái niệm truyện cổ tích là gì ?

Thật ra thuật ngữ chuyện cổ tích hay truyện cổ tích đều dùng được, không mang sắc thái phân biệt rõ ràng. Tuy nhiên, tùy vào ngữ cảnh mà chúng ta sẽ dùng chuyện cổ tích hoặc truyện cổ tích để biểu đạt điều muốn nói. Chuyện cổ tích thường được dùng gắn liền với hành động kể, thuật lại một câu chuyện nào đó từ miệng của người kể và có thể được truyền từ người này sang người khác qua khẩu ngữ. Còn truyện cổ tích là câu chuyện đã được thể hiện dưới dạng văn học viết, có thể đã được in ra sách và người dùng có thể tiếp thu câu chuyện bằng cách đọc thay vì nghe.

Truyện cổ tích là một thể loại văn học dân gian có yếu tố hư cấu, kể về một số kiểu nhân vật với các mô típ quen thuộc, mang tính dị bản cao, thể hiện quan điểm, niềm tin và ước mơ của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp.

Không thể đề cập một cách chính xác về nguồn gốc của truyện cổ tích, vì phần lớn các truyện cổ tích tồn tại đều bằng phương thức truyền miệng, không có tài liệu lịch sử ghi chép rõ ràng. Theo một số nhà nghiên cứu thì truyện cổ tích có xuất xứ rất lâu đời, từ khoảng 6000 năm về trước, phản ánh xã hội nguyên thủy cũng như thể hiện tín ngưỡng của con người trong xã hội đó.

Truyện cổ tích là thể loại hoàn toàn hư cấu với các yếu tố huyền ảo, thần kỳ nhằm biểu hiện những ý niệm, quan điểm cũng như mơ mơ, khát vọng của con người về một xã hội công bằng, tốt đẹp.

Truyện cổ tích được nhân dân sáng tác và lưu truyền nhằm đem lại những bài học về cách sống, cách đối nhân xử thế, răn dạy con người về những cái ác, cái xấu, đề cao tinh thần nghĩa hiệp “ở hiền gặp lành”. Đồng thời, truyện cổ tích còn giúp cho chúng ta hiểu thêm về nguồn cội, về văn hóa của dân tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu thêm cội nguồn, nâng cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của mỗi người.

Đặc điểm truyện cổ tích Việt Nam

Đặc trưng của truyện cổ tích Việt Nam được thể hiện ở các yếu tố như: Cốt truyện sử dụng các yếu tố hư cấu, hoang đường, kì ảo, nội dung được xây dựng theo các mô típ và cấu trúc quen thuộc: nhân vật sinh ra – gặp biến cố – hóa giải biến cố – kết thúc có hậu, truyền tải những thông điệp tích cực về cuộc đời, thể hiện niềm tin của nhân dân về cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, cái tốt sẽ đánh bại cái xấu.

Nếu đã từng đọc qua các truyện cổ tích, bạn sẽ thấy có hai tuyến nhân vật được tập trung thể hiện và miêu tả tính cách là nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Đối với hình tượng nhân vật chính diện, kiểu nhân vật phổ biến sẽ là những nhân vật bất hạnh như: nhân vật người em (Thạch Sanh,…), người mồ côi (Tấm Cám,…)  nhân vật xấu xí (Sọ Dừa,…), nhân vật người con dâu,… Ngược lại, các nhân vật phản diện thường là kiểu nhân vật quan lại giàu có, nhân vật người anh (Lý Thông,…), nhân vật người mẹ ghẻ (dì ghẻ trong chuyện cổ tích Tấm Cám,…). Ngoài ra, truyện cổ tích còn có sự tham gia của các kiểu nhân vật như: nhân vật dũng sĩ hoặc người có sức mạnh phi thường, nhân vật thông minh, các động vật có hoạt động hoặc tính cách giống với con người,…

Để thể hiện sâu sắc những quan điểm của nhân dân về một xã hội công bằng, truyện cổ tích được lồng ghép nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo không chỉ mang lại sự hấp dẫn cuốn hút cho tác phẩm mà còn nhằm tô vẽ, lý tưởng hóa mong muốn, ước mơ của phần lớn con người trong xã hội lúc bấy giờ. Chẳng hạn như trong truyện cổ tích Tấm Cám, các chi tiết về sự tái sinh của Tấm hay những lần xuất hiện của Bụt đều được nhân dân thêm thắt, biến hóa một cách sinh động. Hiện thân của Bụt trong truyện cổ tích là sự hiện thân của công lý, là ánh sáng khát khao của con người trong xã hội xưa về một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Giá trị nghệ thuật của truyện cổ tích được thể hiện ở thông qua những phương diện như: yếu tố hư cấu, cốt truyện, kiểu nhân vật, ngôn ngữ, mô típ, hình tượng nghệ thuật,… Trước khi bước vào giai đoạn thịnh hành của văn học viết, trước đó, truyện cổ tích được biết đến như những câu chuyện được lưu hành bằng phương thức truyền miệng, nên có thể nói ở giai đoạn này truyện cổ tích đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tự sự truyền miệng.

Bên cạnh những giá trị nghệ thuật tiêu biểu, truyện cổ tích còn hàm chứa tính nhân văn sâu sắc. Những câu chuyện cổ tích Việt Nam và trên thế giới đều kết thúc có hậu, thể hiện các giá trị đẹp đẽ của con người qua nhiều phương diện trong tính cách, tình cảm, tâm hồn, trí tuệ,… Từ đó, chúng ta có thể rút ra những bài học về cách sống, cách đối nhân xử thế, đề cao tình nghĩa, lòng bao dung, độ lượng giữa người với người.

Truyện cổ tích thường tập trung hướng đến số phận con người và đời sống xã hội. Chẳng hạn như truyện “Ăn khế trả vàng”, nội dung tác phẩm là sự phản ánh về lòng tham vô đáy của người anh và đề cao bản chất chân thật, tình nghĩa của người em. Từ đó, câu chuyện hướng người đọc đến những giá trị về cuộc sống, khuyên răn con người về bài học tham lam, đồng thời ca ngợi phẩm chất tốt đẹp, sống tình cảm, chịu thương, chịu khó của vợ chồng người em trai. Ngoài ra, truyện cổ tích còn đề cập những nội dung liên quan đến việc lý giải một sự kiện, hiện tượng nào đó trong cuộc sống. Đặc biệt, các nội dung này thường được thể hiện qua các truyện cổ tích về loài vật mang yếu tố thần thoại…

Mô típ là một đặc trưng nghệ thuật thường thấy trong truyện cổ tích, bên cạnh việc bổ sung những ý nghĩa về cốt truyện, kết cấu, mô típ còn là sợi dây gắn kết tương quan truyện cổ tích giữa các nước trên thế giới. Một số mô típ mà chúng ta thường gặp trong truyện cổ tích như: mô típ dì ghẻ – con chồng, mô típ lọ lem – hoàng tử, mô típ đồ vật thần kỳ, mô típ ông Bụt, bà Tiên,… Những mô típ này được sử dụng rộng rãi trong các truyện cổ tích trên thế giới, giúp người đọc có thể liên kết và so sánh, từ đó nhận ra những nét khác biệt về đặc trưng thể loại truyện cổ tích của dân tộc.

Các sự việc trong truyện cổ tích được sắp xếp theo một trình tự logic gồm có mở đầu, cao trào và kết thúc. Ở đoạn mở đầu, các nhân vật thường được giới thiệu về tính cách, ngoại hình, gia cảnh,… cho đến đoạn cao trào sẽ là các chi tiết nhân vật gặp khó khăn, bị hãm hại, vu oan. Kết thúc của truyện cổ tích thường có hậu là khi các nhân vật đã vượt qua tất cả những thử thách, có thể được tái sinh để sống hạnh phúc và tốt đẹp hơn.

Xung đột là yếu tố cần phải có trong các truyện cổ tích để giúp nội dung cốt truyện được kịch tính và hấp dẫn hơn. Xung đột diễn ra từ những thế lực mâu thuẫn nhau như xung đột giữa thiện và ác, người giàu và người nghèo, đồng thời cũng có thể nảy sinh từ những bất công trong xã hội về quyền lợi, địa vị,… Sự xung đột cũng có liên quan đến bản chất của các mô típ điển hình như: dì ghẻ – con chồng,… vì chỉ khi có xung đột, nhân vật mới thể hiện được toàn vẹn tính cách, hành động của mình, từ đó câu chuyện mới được đẩy lên cao trào trước khi nút thắt được giải quyết và kết thúc có hậu.

Ý nghĩa của truyện cổ tích

Truyện cổ tích đem lại cho người đọc, người nghe những giá trị nhân văn sâu sắc về các đức tính đẹp đẽ của con người. Đặc biệt, trong các truyện cổ tích Việt Nam, giá trị nhân văn thường được thể hiện ở các nội dung như: ngợi ca đạo lý tình nghĩa giữa người với người, đề cao tinh thần nghĩa hiệp, tấm lòng bao dung, vị tha và đặc biệt là thể hiện khát vọng công lý tột cùng của con người về một xã hội công bằng, văn minh.

Nếu như giá trị nhân văn nói về những đức tính tốt đẹp của con người thì giá trị nhân đạo trong truyện cổ tích lại được thể hiện qua khía cạnh đạo lý làm người. Tiêu biểu nhất về giá trị nhân đạo trong truyện cổ tích là ở phương diện kết thúc có hậu, “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Đồng thời, nó còn được thể hiện ở sự cảm thông, thương xót đối với các nhân vật bất hạnh, phê phán những điều xấu, lòng tham và sự đố kỵ của con người.

Tùy vào mỗi một câu chuyện cổ tích mà giá trị nội dung sẽ được thể hiện khác nhau. Chẳng hạn ở truyện “Sọ Dừa”, giá trị nội dung là đề cao giá trị cốt lõi của con người và bày tỏ sự đồng cảm, tình yêu thương với những người bất hạnh, nghèo khó. Còn ở truyện “Tấm Cám”, giá trị nội dung lại thiên về mô tả những xung đột xã hội sâu sắc. Nhìn chung, ở truyện cổ tích, giá trị nội dung có sự tương đồng với giá trị hiện thực, xoay quanh các vấn đề cơ bản về con người và xã hội trong câu chuyện đó.

Khi đọc truyện cổ tích, chúng ta có thể rút ra một số bài học quý giá về đạo đức làm người, về thái độ sống cũng như cách đối nhân xử thế trong xã hội. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể biết thêm một cách lý giải hay về các hiện tượng thời tiết, hay nguồn gốc của một sự vật nào đó theo quan niệm của những người xa xưa.

Truyện cổ tích có nhiều tác dụng đối với con người, bên cạnh việc khuyên răn, giúp con người rút ra những bài học quý báu thì truyện cổ tích còn giúp con người giải trí, bồi dưỡng tâm hồn với những đức tính và tình cảm đẹp đẽ.

Đặc biệt đối với trẻ em, truyện cổ tích là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với ký ức tuổi thơ. Albert Einstein đã từng khuyên các bậc phụ huynh rằng:  . Vai trò của truyện cổ tích đối với trẻ em được đề cập ở nhiều phương diện điển hình như: nuôi dưỡng cảm xúc, trí tưởng tượng, tăng khả năng tư duy, giáo dục về các bài học thiết thực trong cuộc sống.

Việc dùng những câu chuyện cổ tích để giáo dục trẻ em là điều vô cùng cần thiết. Chúng sẽ giúp trẻ em có thể tiếp thu một cách nhanh hơn các bài học ứng xử, xử lý tình huống hay thái độ sống thay vì chỉ dạy bằng những lời nói suông. Trẻ em sẽ không thể nói dối sau khi đọc câu chuyện “Cậu bé người gỗ” hoặc sẽ biết cách vâng lời cha mẹ, không tin người lạ khi được nghe nói đến câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ”. Tính giáo dục trong truyện cổ tích là rất cao, vì thế thể loại này rất được các phụ huynh và các bé yêu thích.

Mặt trái của truyện cổ tích

Bên cạnh những lợi ích, ý nghĩa thì truyện cổ tích cũng mang lại nhiều mặt trái mà bạn có thể chưa chú ý đến. Một trong những mặt trái đầu tiên chính là tính dị bản của truyện cổ tích sẽ là tiền đề cho việc tam sao thất bản, nhiều sự vật, sự việc trong truyện được thêm thắt và thay đổi không hợp với thẩm mỹ cũng như đạo đức của dân tộc. Thứ hai, nhiều vấn đề trong chuyện cổ tích sẽ khiến suy nghĩ của trẻ em bị đóng khung trong những định kiến nhất định như: dì ghẻ luôn luôn xấu xa, các nàng công chúa thường yếu ớt, thụ động, chỉ có thể chờ nam giới cứu vớt,… Nên khi chia sẻ và kể cho trẻ em nghe những câu chuyện có tính như vậy, người lớn phải vô cùng thận trọng và xem xét kỹ càng để tránh phổ biến các tư tưởng lỗi thời mà tác phẩm mang lại.

So sánh truyện cổ tích với các thể loại văn học khác

So sánh truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích

Truyện ngụ ngôn và truyện cổ tích đều có điểm tương đồng là hàm chứa những bài học giá trị về cuộc sống, về con người và được cả người lớn lẫn trẻ em ưa thích.

Tuy nhiên, hai thể loại văn học này cũng tồn tại một số điểm khác biệt như: thế giới nhân vật, mục đích sáng tác, nội dung, cốt truyện,… Ở thế giới nhân vật, truyện ngụ ngôn thường chỉ có sự xuất hiện của những con vật biết nói, có tính cách giống con người nhưng ở truyện cổ tích, thế giới nhân vật lại rộng lớn hơn rất nhiều. Nhiều tuyến nhân vật, kiểu nhân vật xuất hiện trong truyện cổ tích làm nên một thế giới nhân vật đa dạng, nhằm thể hiện nhiều tầng lớp ý nghĩa trong câu chuyện. Trong truyện ngụ ngôn không có yếu tố xung đột, nhưng đây lại là đặc trưng chủ yếu trong truyện cổ tích. Truyền tải một bài học đạo đức quan trọng là điều duy nhất mà những câu chuyện ngụ ngôn tập trung thể hiện, nhưng đối với truyện cổ tích thì những điều nó truyền tải lại nhiều hơn thế.

So sánh giữa truyện truyền thuyết và truyện cổ tích

Truyện cổ tích và truyện truyền thuyết đều là những tác phẩm thuộc thể loại văn học dân gian, có sự tương đồng ở điểm hàm chứa nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Tuy nhiên, bên cạnh đó ở hai thể loại này cũng tồn tại nhiều điểm khác biệt.

Điểm khác biệt đầu tiên chính là về nhân vật  trong truyện. Nếu như ở truyện cổ tích, các nhân vật và sự việc xoay quanh nhân vật đều mang yếu tố kì ảo, hoàn toàn là sản phẩm hư cấu thì ở truyền thuyết, các nhân vật được đề cập trong truyện có thể có thật và đôi khi được thêm thắt, lồng ghép các yếu tố kì ảo để thể hiện ước muốn của nhân dân về một điều gì đó. Tác phẩm truyền thuyết thường nhấn mạnh các sự kiện lịch sử, nhân vật mang tính chất lịch sử cao thay vì chỉ miêu tả và rút ra những bài học về cách sống, đạo đức con người. Một điểm khác biệt nữa là về dung lượng và độ dài của thể loại. Truyện cổ tích sẽ thường có độ dài ngắn hơn các truyện truyền thuyết và nhân vật trong truyền thuyết cũng sẽ mang tính vĩ mô và kỳ vĩ hơn so với các nhân vật đời thường trong truyện cổ tích.’

Các thể loại truyện cổ tích

Có thể phân loại truyện cổ tích ra như sau:

Truyện cổ tích sinh hoạt

Truyện cổ tích sinh hoạt hay được gọi là truyện cổ tích thế sự, thường là những câu chuyện không có hoặc có rất ít yếu tố thần kỳ. Nó thể hiện những mâu thuẫn trong xã hội giữa người với người và được giải quyết theo quy luật của đời sống hiện thực.

Một số truyện cổ tích sinh hoạt có chứa các yếu tố siêu nhiên. Tuy nhiên các yếu tố này chỉ mang ý nghĩa làm nền tạo thêm phần hấp dẫn, li kì cho câu truyện.

Một số truyện cổ tích sinh hoạt tiêu biểu như: Người vợ hiền, Cây tre trăm đốt, Mẹ hiền con thảo…

Truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam có đề tài rất đa dạng. Nó kể về cuộc sống đời thường của xã hội loài người. Nhân vật trong truyện chủ yếu là những người thông minh, bất hạnh hay những người ngốc nghếch.

Các truyện cổ tích sinh hoạt Việt Nam rất đa dạng. Nó không chỉ phê phán thói hư, tật xấu mà còn mang đến nhiều bài học nhân văn, ý nghĩa.

Những truyện cổ tích sinh hoạt thường phản ánh chân thật đời sống của xã hội loài người nên rất gần gũi, quen thuộc. Nhờ vậy mà truyện dễ nhớ, dễ in sâu vào tâm trí người đọc.

Truyện cổ tích thần kỳ

Truyện cổ tích thần kỳ còn được gọi là truyện cổ tích hoang đường. Truyện thường có chứa nhiều yếu tố huyễn tưởng, hư cấu.

Truyện cổ tích thần tiên là một trong những đề tài thuộc thể loại cổ tích thần kỳ. Ngoài truyện cổ tích thần tiên thì truyện cổ tích xoay quanh về bi kịch gia đình (Sự tích trầu cau, Ông đầu rau,…) hay thân phận người mồ côi (Tấm Cám, Ăn khế trả vàng,..) cũng là một trong những đề tài được yêu thích.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về truyện cổ tích thần kỳ. Một số nhà nghiên cứu folklore cho rằng truyện cổ tích đa phần đều có ít hay nhiều yếu tố thần kỳ tham dự, vì vậy họ không xếp truyện cổ tích thần kỳ thành một tiểu loại riêng như ở Châu  u. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu như Chu Xuân Diên, Lê Chí Quế, Hoàng Tiến Tựu đều cho rằng truyện cổ tích thần kỳ xứng đáng được công nhận là một tiểu loại riêng vì chúng có những đặc điểm riêng để phân biệt với truyện cổ tích loài vật hay thế sự.

Truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam bao gồm những đề tài như bi kịch gia đình, tranh giành gia sản, số phận con người trong xã hội giai cấp…

Các truyện cổ tích thần kỳ thường có những đặc điểm về cốt truyện, cách xây dựng nhân vật, cách phản ánh hiện thực… đặc biệt. Nhờ vậy mà chúng ta có thể phân biệt truyện cổ tích thần kỳ với những tiểu loại khác.

Những truyện cổ tích thần kỳ chú trọng việc lý tưởng hóa những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật bất hạnh và giải quyết số phận của họ theo một kết cục có tính chất ước mơ. Đồng thời thể hiện sự quan niệm “ở hiền gặp lành” – một motif quen thuộc trong truyện cổ tích nói chung và truyện cổ tích thần kỳ nói riêng.

Truyện cổ tích thần kỳ thể hiện những yếu tố cổ, liên quan đến những quan niệm thần thoại hay những tập tục, tín ngưỡng của con người thời thị tộc, bộ lạc,… Thông qua những câu truyện cổ tích con người sẽ có thể cảm nhận được nét văn hoá của dân tộc.

Những truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam tiêu biểu phải kể đến như: Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc, Lấy chồng Dê, Thạch Sanh – Lý Thông…

Truyện cổ tích ngụ ngôn và cổ tích loài vật

Truyện cổ tích ngụ ngôn là loại truyện sử dụng các nhân vật là những hình ảnh nhân hoá hay ẩn dụ thay thế cho con người. Thông qua những hình ảnh này, truyện sẽ nêu lên triết lý về nhân sinh hay mang ý nghĩa phê phán.

Truyện cổ tích động vật là một trong những tiểu loại tiêu biểu của truyện cổ tích Việt Nam. Nó thường thể hiện quan niệm vạn vật hữu linh hay vạn vật tương giao. Nhóm truyện này ca ngợi những con vật thông minh nổi bật, giúp ích cho con người.

Truyện cổ tích thế sự hay thế tục

Còn được gọi là Truyện cổ tích sinh hoạt. Có thể nói đây là loại truyện ra đời muộn nhất và khắc họa những tình huống mang đậm chất đời thường. Truyện cổ tích thế sự hay thế tục có hai đề tài chủ yếu: Truyện cổ tích về sinh hoạt gia đình và truyện cổ tích về quan hệ xã hội.

Truyện cổ tích phiêu lưu

Truyện cổ tích phiêu lưu là tiểu loại ly kỳ và hấp dẫn nhất trong truyện cổ tích. Nó thường kể về hành trình của các nhân vật đặc biệt. Truyện cổ tích phiêu lưu thường có ý nghĩa lịch sử.

Trải qua nhiều thế kỷ, truyện cổ tích vẫn là những kí ức đẹp đẽ, đã và đang làm nên tuổi thơ của rất nhiều người bằng những bài học giáo dục vừa giản dị nhưng cũng vô cùng sâu sắc. Cuộc sống càng hiện đại, góc nhìn của con người về truyện cổ tích là gì càng có nhiều mới mẻ. Tuy nhiên, dù nhìn nhận truyện cổ tích ở những quan điểm cách tân như thế nào, ta cũng không thể phủ nhận những giá trị mà nó mang lại cho nền văn học dân gian Việt Nam, cho những người tiếp nhận, đặc biệt là trẻ em về các giá trị văn hóa, phong tục và đạo đức thẩm mĩ của dân tộc.

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
Hotline Email hỗ trợ Địa chỉ Like fanpage & trúng quà minigame mỗi ngày!
fb-chatfb-chat