Top những câu chuyện cổ tích có ông tiên hay, mẹ kể con nghe
Thế giới cổ tích trong tiềm thức tuổi thơ của nhiều thế hệ luôn đầy màu sắc với những tòa lâu đài tráng lệ, chị Tấm hiền hậu, hoàng tử điển trai, công chúa xinh đẹp, mụ phù thủy, dì ghẻ độc ác,…Và không thể thiếu hình ảnh ông tiên – nhân vật mang phép màu nhiệm tạo nên dấu ấn đặc trưng cho thể loại truyện cổ tích dân gian Việt Nam. Vậy bạn còn nhớ những truyện cổ tích nào có ông tiên hay không?
Nhân vật ông tiên trong chuyện cổ tích
Cách tác giả xây dựng hình ảnh ông tiên
Ông tiên (Phật, bụt) xuất hiện rất nhiều trong các câu chuyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Nếu chia nhân vật cổ tích thành các nhóm nhân vật thần kỳ, loài người và về loại vật thì ông tiên được xếp vào nhóm nhân vật thần kỳ. Trên thực tế, nhóm nhân vật này được sáng tạo bằng trí tưởng tượng của các tác giả dân gian và không có thực.
Trong truyện cổ tích, hình ảnh ông tiên thường được xây dựng là ông lão với bộ tóc trắng búi tỏi, râu bạc phơ, cầm theo cây phát trần. Nụ cười hiền từ, ấm áp và có tấm lòng thiện lương. Có khi, ông tiên có thể trong vai một ông lão ăn xin, ngoại hình nhếch nhác, xấu xí.
Bất kể xuất hiện với hình ảnh nào, ông tiên đều mang phép màu nhiệm để giúp đỡ những người nghèo, khốn khó và tốt bụng. Đồng thời trừng trị những kẻ độc ác, xấu xa.
Vai trò của ông tiên trong truyện cổ tích
Với các truyện cổ tích có ông tiên, ông tiên tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng đã góp phần khiến câu chuyện thêm hấp dẫn và sinh động hơn. Đặc biệt đó cũng là hình ảnh được các bé rất yêu thích.
Ông tiên đại diện cho tuyến thiện, luôn giúp đỡ tuyến nhân vật chính hiền lành, yếu thế, tốt tính. Sự có mặt có nhân vật này giúp cho thông điệp câu chuyện được truyện tải một cách rõ ràng và đậm nét. Chẳng hạn như ở hiền sẽ luôn được giúp đỡ, những kẻ ác cuối cùng sẽ bị trừng phạt thích đáng.
Những câu chuyện cổ tích Việt Nam và thế giới có ông tiên
Tuổi thơ của nhiều đứa trẻ đã từng lớn lên với rất nhiều truyện cổ tích có ông tiên. Và ký ức về những câu chuyện này có thể tồn tại đến cả khi trưởng thành. Nhiều trong số đó phải kể đến những câu chuyện đặc sắc, giàu ý nghĩa sau.
Truyện cổ tích Việt Nam có ông tiên – “Tấm Cám”
Truyện kể về cô gái tên Tấm, hiền lành, tốt bụng. Tấm mồ côi bố, sống cùng dì ghẻ và người chị cùng cha khác mẹ, tên là Cám. Dù làm việc rất chăm chỉ nhưng Tấm luôn bị hai mẹ con Cám ngược đãi, đối xử tàn nhẫn.
Trong một lần triều đình mở hội xem ai thử vừa chiếc giày nhà vua nhặt được sẽ được tuyển làm hoàng hậu, hai mẹ con Cám bày đủ trò để Tấm không được tham gia. Được bụt giúp đỡ, Tấm có quần áo đẹp đi dự hội. Tấm là người duy nhất thử vừa chiếc giày vì đó chính là giày của nàng đánh rơi.
Ganh ghét và đố kỵ, hai mẹ con tiếp tục bày mưu hại chết Tấm để Cám vào cung thay. Sau khi chết, Tấm trải qua 4 lần “nương mình” vào chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và quả thị. Sau tất cả biến cố, nhờ có sự giúp đỡ của ông bụt, Tấm vượt qua nhiều kiếp nạn, được tái sinh và có cuộc sống hạnh phúc cùng nhà vua.
Ý nghĩa: Với hai tuyến nhân vật thiện – ác đối lập, truyện “Tấm Cám” phản ánh rõ chân lý “ở hiền gặp lành và ở ác gặp ác”. Đồng thời cũng ca ngợi sức sống mạnh mẽ và khát vọng sống vì mục đích của mình qua hình ảnh Tấm sau khi bị hại chết luôn khao khát được trở về, được sống hạnh phúc bên nhà vua.
Truyện cổ tích Việt Nam có ông tiên – “Cây tre trăm đốt”
“Cây tre trăm đốt” là truyện cổ tích có ông tiên kể về nhân vật chính tên Khoai. Anh mồ côi bố mẹ sớm, làm thuê cho một gia đình phú hộ. Vốn bản tính hiền lành và chịu khó, anh được phú ông hứa gả con gái nếu chịu làm giúp ông trong 3 năm.
Tin lời, Khoai làm lụng vất vả giúp gia đình ông. Bẵng đi một thời gian, gia đình phú ông trở nên giàu có, có đủ mọi thứ từ nhà cửa đến ruộng vườn. Ông bèn trở mặt, hủy lời hứa năm xưa và có ý định gả con cho một gia đình giàu có.
Đến ngày gả cưới con gái, phú ông ra điều kiện phải tìm bằng được cây tre trăm đốt mới chịu gả con gái. Vốn tính thật thà, Khoai cũng vào rừng tìm nhưng tìm mãi chẳng thấy đâu. Bế tắc, anh ngồi khóc và được bụt hiện lên giúp đỡ cùng câu thần chú “khắc nhập, khắc nhập”, “khắc xuất, khắc xuất”.
Được sự giúp đỡ của bụt, chàng Khoai cuối cùng đã lấy được con gái phú ông và hai người sống hạnh phúc với nhau.
Ý nghĩa: Rất nhiều bài học mang tính răn dạy được truyền tải qua câu chuyện: ở hiền gặp lành, phải biết ăn năn hối lỗi khi làm sai. Điều quan trọng là hãy luôn biết sống nhân hậu, hiền lành.
Truyện cổ tích thế giới có ông tiên – “Bông cúc trắng”
Đây là một trong những truyện cổ tích của Nhật Bản nói về lòng hiếu thảo, được nhiều bạn nhỏ yêu thích. “Bông cúc trắng” kể về cô bé nhà nghèo nhưng rất hiếu thảo, biết vâng lời. Để chữa cho người mẹ đang ốm nặng, cô bé không ngại vượt qua rất nhiều làng mạc, núi sông để quyết tìm bằng được thầy nơi khác về chữa cho mẹ sau khi các thầy lang giỏi trong vùng đều không thể chữa khỏi.
Tấm lòng hiếu thảo của em cũng làm lay động lòng trời. Đức Phật hóa thân thành nhà sư và tặng em một bông hoa trắng 5 cánh để đem về chữa bệnh cho mẹ. , cô bé xé nhỏ những cánh hoa cho đến khi nào không đếm được số cánh nữa.
Bông hoa đó ngày nay được gọi là “hoa cúc trắng”. Bông hoa là biểu tượng cho sự sống, lòng hiếu thảo và khát vọng chữa bệnh tật cho mẹ.
Ý nghĩa: Câu chuyện ca ngợi lòng hiếu thảo của con gái với mẹ. Không phải bông hoa mà chính tấm lòng của em đã tạo nên kỳ tích. Truyện khuyên mỗi chúng ta hãy luôn sống hiếu thảo và biết yêu thương cha mẹ.
Vượt khỏi khuôn khổ những truyện cổ tích có ông tiên, ông tiên còn là hình ảnh biểu tượng cho những điều tốt đẹp, một thế giới công bằng và khát vọng hướng thiện. Trên đây là những câu chuyện cổ tích có ông tiên hay và giàu ý nghĩa, bố mẹ cùng lưu lại để kể con nghe nhé!